Khoa Công nghệ Hóa

Quá trình hình thành và phát triển

Khoa Công nghệ Hóa, trước đây có tên là Khoa Công nghệ hóa Công nghiệp được thành lập ngày 01/3/2003 theo quyết định số 171/QĐ/TC-HC. Ngày 27/10/2005, ba tổ môn Hóa cơ sở, Công nghệ hóa học, Kỹ thuật phòng thí nghiệm được thành lập theo quyết định số 1585/QĐ-CĐCN. Ngày 22/12/2005, theo quyết định số 2029/QĐ-ĐHCN Khoa đổi tên thành Khoa Công nghệ Hóa sau khi Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp từ Cao đẳng lên Đại học. Ngày 03/7/2013 theo quyết định số 2424/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Khoa được phép đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Hóa học, từ tháng 7/2017 Khoa mở đào tạo Tiến sĩ Kỹ thuật Hóa học. Ngày 14/11/2014 các tổ môn Công nghệ hóa học và Kỹ thuật phòng thí nghiệm được giải thể và thành lập các Bộ môn mới: Công nghệ Hóa hữu cơ, Công nghệ Hóa vô cơ-Hóa công, Công nghệ Hóa phân tích, Công nghệ Hóa dầu, Công nghệ Môi trường và tổ Kỹ thuật phòng thí nghiệm. Hiện nay, Khoa đang thực sự là một nơi đào tạo nhân lực có uy tín và chất lượng. Hàng năm, Khoa cung cấp cho xã hội một lực lượng đông đảo gồm các thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân đáp ứng được những yêu cầu cho sự phát triển của ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học và Công nghệ kỹ thuật môi trường trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa Đất nước. Đội ngũ giảng viên làm việc tại Khoa có có trình độ cao. Giảng viên của Khoa hầu hết đều có kinh nghiệm, nhiệt tình trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trước những đòi hỏi của thực tiễn giảng dạy, Khoa luôn tích cực xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên, xây dựng các chương trình, viết giáo trình phục vụ giảng dạy và học tập của sinh viên. Trong những năm qua, Khoa đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên ngành được giới chuyên môn đánh giá cao. Cơ sở vật chất của Khoa được Nhà trường trang bị những hệ thống máy móc hiện đại, đáp ứng tốt cho sinh viên học tập và nghiên cứu khoa học.

Sinh viên của Khoa Công nghệ Hóa được trang bị kiến thức cơ bản về xã hội và kiến thức chuyên sâu về chuyên môn; học tập lý thuyết luôn đi đôi với thực nghiệm. Sinh viên không chỉ được thực hành tại Phòng thí nghiệm hiện đại của Khoa, của Nhà trường mà còn được áp dụng các kiến thức đã được trang bị vào thực tế làm việc thông qua việc đi thực tập tại các Viện nghiên cứu, Công ty, Nhà máy, đơn vị liên kết đào tạo của Khoa. Chất lượng đào tạo của Khoa ngày càng được nâng cao và thực tế phần lớn sinh viên của Khoa tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Quan hệ đối ngoại

Khoa đã thiết lập quan hệ và hợp tác với các đơn vị bạn như sau:

- Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội;

- Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc Gia Hà Nội;

- Khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;

- Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam;

- Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- Viện Công nghệ Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- Viện Nông - Hóa thổ nhưỡng;

- Viện Chăn nuôi;

- Viện Vật liệu Xây dựng;

- Trên 30 công ty như: Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Công ty Nhựa cao cấp hàng không; Công ty Sơn Nippon; Nhà máy nhôm Đông Anh; Công ty cổ phần Vigracera thăng long, Công ty giấy Việt trì; Công ty khóa Việt Tiệp; Công ty Cao su Hà Nội; Công ty Giang thép Thái Nguyên; Công ty xi mang Hoàng Thạch, Bỉm Sơn,… và nhiều khu Công nghiệp ở Hà Nội, các tỉnh miền Bắc.

- Khoa Công nghệ Hóa học, Trường Đại học Quốc gia Hankyong, Hàn Quốc;

- Khoa Hóa học, Trường Đại học Tổng hợp Munich, CHLB Đức;

Thành tích đạt được

* Đối với tập thể cán bộ, giảng viên:

- Năm 2008 Khoa vinh dự đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 của BVQI.

- Khoa nhận Bằng khen của Bộ Công thương năm 2014.

- Giảng viên trong Khoa tích cực nghiên cứu khoa học; từ 2011-2016 đã thực hiện 01 đề tài cấp Nhà nước, 04 đề tài cấp Bộ, 02 đề tài cấp Tỉnh; 67 đề tài cấp Trường.

- Đã xuất bản và biên soạn 33 giáo trình.

- Giai đoạn 2011-2016 cán bộ trong Khoa đã công bố trên 141 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, trong đó 41 bài báo đăng trên các tạp chí và Hội thảo khoa học quốc tế.

- Giảng viên của Khoa có nhiều nhiều sáng kiến cải tiến cấp Trường và cấp đơn vị.

- Khoa có 01 giải Nhì và 01 giải Ba giảng viên dạy giỏi cấp thành phố và nhiều giải Nhất, Nhì tham gia giảng viên dạy giỏi cấp Trường.

- Tham gia xây dựng và thẩm định các chương trình khung như: Công nghệ kỹ thuật hóa học, Gia công chất dẻo từ polime; Sản xuất các hợp chất vô cơ; Kiểm tra & Phân tích Hóa Chất...

* Đối với sinh viên:

Sinh viên của Khoa luôn tích cực tham gia các phong trào của Đoàn thanh niên - Hội sinh viên, như Hội trại, Hội thao, Bóng đá nam sinh viên, Liên hoan văn nghệ quần chúng, Nữ sinh thanh lịch,... Năm 2010 sinh viên Khoa Công nghệ Hóa đã đạt giải nhất Hội trại, giải ba Hội thao toàn trường, giải ba liên hoan văn nghệ,...

Sinh viên tham gia các kỳ thi Olympic Hóa học và đạt được nhiều giải thưởng cao: Năm 2010, tại kỳ thi Olympic Hóa học sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng toàn quốc diễn ra tại trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, đội tuyển Olympic Hóa học của Khoa Công nghệ Hóa học lần đầu tiên tham dự đã đạt được: 01 giải Nhì, 02 giải Ba, 04 giải Khuyến khích. Năm 2012, tại Đại học Đà Nẵng, đội tuyển Olympic Hóa học đạt được: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 04 giải Khuyến khích. Năm 2014, tại Đại học Cần Thơ, đội tuyển Olympic Hóa học đạt được: 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 05 giải Ba và 01 giải Khuyến khích. Đặc biệt, năm 2016, tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, đội tuyển Olympic Hóa học đạt được: 05 giải Nhất, 04 giải Nhì, 01 giải Ba và giải Nhất đồng đội bảng C.

Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học: Năm 2012 sinh viên khoa Công nghệ Hóa đã đạt 01 giải Nhất, 01 giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp Trường; năm 2013 đạt 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 01 giải Khuyến khích; năm 2014: 01 Nhất, 05 giải Nhì, 07 giải Ba, đặc biệt trong năm 2014 có một nhóm sinh viên NCKH đạt giải Ba "Tài năng khoa học trẻ" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; năm 2015 đạt 02 giải Nhì, 03 giải Ba, 06 giải Khuyến khích.

Phương hướng phát triển

Để đáp ứng về nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quá trình phát triển của đất nước, trong thời gian tới Khoa sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu chủ yếu sau:

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn với thực tế sản xuất.

- Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Không ngừng cải tiến nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, biên soạn giáo trình tài liệu; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Tiếp tục bồi dưỡng và nâng cao trình độ giảng viên bằng cách cử các giảng viên tham gia đào tạo các khóa ngắn và dài hạn ở nước ngoài.