Nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở: “Tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và sự vận dụng tư tưởng này ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”

Tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh là nội dung cơ bản nhất trong hệ thống quan điểm của Người về giáo dục. Với tinh thần đó theo Người, giáo dục phải gắn học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế; giáo dục đạo đức là hàng đầu; nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội; giáo dục phải cho mọi đối tượng trong xã hội; người dạy phải có đạo đức và trình độ chuyên môn giỏi; trong trường cần có dân chủ, thầy thi đua dạy, trò thi đua học. Tư tưởng học đi đôi với hành của Người có giá trị to lớn và rất dễ hiểu, là cơ sở cho công tác “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” hiện nay. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong quá trình phát triển của mình luôn xem tư tưởng “học đi đôi với hành” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt định hướng cho việc xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục nhằm đào tạo lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Phát huy thế mạnh của một trường đào tạo kỹ sư thực hành, vận dụng sáng tạo tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh, Nhà trường cần có những nghiên cứu thực tiễn công tác giảng dạy trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó làm cơ sở tiếp tục đổi mới nhằm đáp ứng theo yêu cầu Nghị quyết TW 8 khoá XI về đổi mới căn bản, tào diện giáo dục – đào tạo và thực tiễn đặt ra. Đề tài cấp cơ sở 2013 do ThS Lê Văn Mười làm chủ nhiệm: “Tư tưởng học đi đôi với hành của Hồ Chí Minh và sự vận dụng tư tưởng này ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” đã bảo vệ thành công, đóng góp tích cực vào nền giáo dục khoa học, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.