Quá trình hình thành và phát triển khoa CNM-TKTT

Khoa Công nghệ May & Thiết kế Thời trang được thành lập ngày 01/10/2003. Khoa có chức năng đào tạo các hệ (Công nhân kỹ thuật, Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng chính qui, Đại học chính qui, Liên thông Trung cấp - Cao đẳng, Liên thông Cao đẳng - Đại học) cho ba ngành: Công nghệ Vật liệu dệt, may; Công nghệ dệt, may và Thiết kế Thời trang.

Hiện tại khoa có 92% Giảng viên có trình độ trên đại học. 100% Giảng viên trong khoa có khả năng giảng dạy lý thuyết và thực hành.

Năm học 2003 – 2004, khoa tuyển sinh khóa đầu tiên đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp ngành Công nghệ May.

Năm học 2005 – 2006, khoa tuyển khóa đầu tiên trình độ Cao đẳng cho 2 ngành Công nghệ May & Thiết kế Thời trang.

Năm học 2009 – 2010, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT và Nhà trường, khoa bắt đầu tuyển sinh trình độ Đại học cho 2 ngành Công nghệ May và Thiết kế Thời trang.

Năm học 2019 – 2020, khoa tuyển sinh 3 ngành ở trình độ đại học: Ngành Công nghệ vật liệu dệt, may; Ngành Công nghệ dệt, may và ngành Thiết kế thời trang nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển ngành Công nghiệp dệt may và thời trang trong tương lai.

Trong các năm qua, khoa đã đào tạo và cung cấp hàng nghìn lao động kỹ thuật cao cho các doanh nghiêp ngành May và Thời trang. Tỷ lệ sinh viên ra trường các năm đạt trung bình từ 90 – 95%, trong đó tỷ lệ sinh viên khá giỏi chiếm 35-40%. Gần 100% số sinh viên đều có việc làm sau 2 tháng ra trường, trên 90% trong số đó làm theo đúng ngành nghề được đào tạo. Qua thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp đều đánh giá tốt về kỹ năng và ý thức làm việc của các sinh viên tốt nghiệp của khoa. Nhiều cựu sinh viên đang là chủ doanh nghiệp hoặc làm việc tại những vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp.

Khoa CN May & TKTT xác định con người, chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo là những yếu tố hàng đầu góp phần quyết định chất lượng đào tạo. Khoa đã tập trung thực hiện các công tác:

1. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ.

Công tác đào tạo bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên được đặc biệt quan tâm và thực hiện với nhiều hình thức như tạo điều kiện cho giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn; hàng năm các bộ môn lên kế hoạch bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành cho giảng viên; đi thực tế tại các doanh nghiệp nhằm tiếp cận các công nghệ mới và mô hình sản xuất hiệu quả; cử giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, do các tổ chức và chuyên gia nước ngoài thực hiện; động viên khuyến khích giảng viên tham gia hội thi dạy giỏi các cấp nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm,... Ngoài ra, các giảng viên thường xuyên trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và sinh hoạt học thuật tại bộ môn.

2. Phát triển chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình.

Chương trình đào tạo là một trong những yếu tố ảnh hưởng chính đến chất lượng đào tạo. Với 50% giảng viên trong khoa có kinh nghiệm thực tế đã làm việc trong doanh nghiệp dệt, may và sản xuất, kinh doanh thời trang là điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Trong quá trình giảng dạy và đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, các bộ môn thường xuyên cập nhật những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về tiến độ đào tạo, nội dung các học phần, kỹ năng tay nghề cũng như ý thức học tập và lao động của người học. Qua đó, hàng năm bộ môn thống nhất và đề xuất với Khoa và Nhà trường điều chỉnh tiến độ đào tạo, bổ sung nội dung và chỉnh sửa chương trình chi tiết học phần nhằm hoàn thiện chương trình đào tạo để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Với phương thức đào tạo theo tín chỉ, việc cung cấp giáo trình, tài liệu cho người học đặc biệt quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, các giảng viên đã tích cực trong nhiệm vụ biên soạn giáo trình. 90% giáo trình các học phần lý thuyết hiện nay là do giảng viên trong khoa biên soạn.

3. Hướng nghiệp và thực tập, thực tế tại doanh nghiệp.

Có được cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giảng viên nhiệt tình, đam mê nghề nghiệp và có trách nhiệm với công việc là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao và đảm bảo chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, sự chủ động học tập, tính đam mê và lòng yêu nghề của người học cũng góp phần không nhỏ cho chất lượng đào tạo. Đặc biệt, với phương thức đào tạo theo tín chỉ, người học đóng vai trò trung tâm. Chính vì vậy, để tạo sự chủ động học tập, lòng đam mê của người học với các môn học và yên tâm với ngành nghề đã lựa chọn, trong những năm qua Khoa CN May & TKTT đã hướng nghiệp cho người học bằng nhiều hình thức như:

- Giới thiệu ngành nghề: Tổ chức nói chuyện và giới thiệu về ngành nghề trong những tháng đầu sinh viên nhập học; mời đại diện doanh nghiệp, các nhà tạo mẫu thời trang nói chuyện, giao lưu trong chương trình “Chào Tân Sinh viên” thường niên.

- Thăm quan, kiến tập: Ngay từ năm đầu, Khoa triển khai cho sinh viên thăm quan, kiến tập tại các doanh nghiệp trong ngành. Đây là hoạt động hướng nghiệp rất hiệu quả. Sinh viên trực tiếp quan sát các vị trí làm việc trong ngành, hiểu được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thái độ cần có của mình sau khi ra trường để đáp ứng các yêu cầu của những vị trí việc làm đó. Hoạt động này đã góp phần cho sinh viên nhận thấy tầm quan trọng của các học phần sắp tới sẽ học. Người học ý thức được mục đích của việc học tập rõ ràng hơn.

- Truyền sự yêu thích, đam mê nghề nghiệp cho người học: Ngoài việc thực hiện theo quy định về giới thiệu về môn học, chương trình chi tiết, tầm quan trọng cũng như tính ứng dụng của môn học trong thực tế công việc,... giảng viên của khoa cũng rất chú trọng đến hướng dẫn phương pháp học, phương pháp tự nghiên cứu để giúp người học đạt hiệu quả cao hơn và hình thành sự yêu thích, đam mêm nghề nghiệp.

- Xây dựng tốt mối quan hệ giữa người dạy và người học để người học thực sự cảm nhận mái trường là ngôi nhà thứ hai của mình, trong đó thầy cô là chỗ dựa về tinh thần. Đội ngũ giảng viên năng động, nhiệt tình và đam mê với nghề nghiệp, luôn quan tâm, giúp đỡ, động viên và tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập. Trong những năm qua, đội ngũ CBGV của khoa đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong lòng của SV. Nhiều sinh viên cá biệt đã được cảm hóa tiến bộ trong học tập và thành đạt sau khi ra trường.

- Hoạt động phong trào: Áp dụng phương châm “Học mà chơi – Chơi mà học” trong đào tạo, khoa đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn kết hợp với hoạt động phong trào văn hóa nghệ thuật, với mục đích tạo sân chơi lành mạnh như tổ chức các cuộc thi HSSV giỏi nghề, thi Thiết kế Thời trang,.... Các hoạt động này đã thu hút nhiều sinh viên tham gia và đạt được những thành công đáng khích lệ.

Để người học có kỹ năng thực tế sau khi ra trường, khoa CN May & TKTT đã đặc biệt quan tâm đến công tác đưa sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp. Khoa đã có mối quan hệ tốt với trên 40 doanh nghiệp ngành dệt, may và thời trang. Để nâng cao kỹ năng tay nghề cho sinh viên, ngoài các học phần thực tập tại doanh nghiệp trong chương trình đào tạo, thực hành kết hợp sản xuất tại xưởng trường, khoa khuyến khích và động viên SV tự nguyện đăng ký thực tập sản xuất tại doanh nghiệp trong các dịp hè. Hoạt động này được sinh viên hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Qua các đợt tham gia thực tập sản xuất, người học có cơ hội được tiếp cận thực tế công việc của người công nhân, tiếp cận thực tế công tác quản lý, điều hành sản xuất,... Đặc biệt, người học được rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức, trách nhiệm trong công việc và kỷ luật lao động. Trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp đã tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

4. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường Đại học. Trong những năm vừa qua, khoa đã thực hiện và nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong công tác đào tạo mang tính thực tiễn và đạt hiệu quả cao như:

+ Đề tài “Sử dụng công nghệ hình ảnh trong đào tạo thực hành Công nghệ may”, 2007;

+ Nghiệm thu 02 đề tài cấp trường, đăng tải 02 bài báo khoa học trên Tạp chí Khoa học Công nghệ; Biên soạn và nghiệm thu 03 giáo trình năm 2012.

+ Thực hiện 04 đề tài NCKH cấp trường, 11 đề tài Sinh viên NCKH; Biên soạn và nghiệm thu 07 giáo trình năm 2013.

+ Tham gia 01 đề tài cấp Nhà nước, thực hiện 1 đề tài cấp trường và công bố 2 bài báo khoa học; Biên soạn và nghiệm thu 06 giáo trình năm 2014.

+ Nghiệm thu 02 đề tài cấp trường, công bố 01 bài báo khoa học; Biên soạn và nghiệm thu 07 giáo trình năm 2015.

+ Công bố 06 bài báo trên các tạp chí KHCN, Cơ khí VN, VH Nghệ thuật, GD nghệ thuật,... Biên soạn và nghiệm thu 04 giáo trình năm 2016.

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, được sự ủng hộ của Ban Lãnh đạo Nhà trường đã tạo điều kiện cho khoa hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học nước ngoài như:

- Ký hợp tác với Công ty lục Hợp Sinh, Bắc Kinh, Trung Quốc trong dự án HaUI- Modasoft “Nghiên cứu, ứng dụng và Việt hóa phần mềm Modasoft” trong ngành May ­– Thời trang.

- Tham gia dự án với Tổ chức Batik (CH Pháp) trong khuôn khổ hỗ trợ đào tạo chuyên môn cho đội ngũ Giảng viên ngành Thiết kế Thời trang.

- Liên hệ với một số trường Đại học nước ngoài như: Đại học Đông Hoa (Thượng Hải) về ngành CN May – TKTT; Đại học Jungwon (Hàn Quốc) về lĩnh vực làm đẹp, Học viện thời trang cao cấp Napoli (Italia) về lĩnh vực Thời trang....làm cơ sở cho kế hoạch liên kết đào tạo trong tương lai.

- Ký hợp tác với Công ty phần mêm LECTRA (CH Pháp) cung cấp và cài đặt cho khoa 25 phần mềm bản quyền phục vụ công tác đào tạo ngành May & TT.

- Ký ghi nhớ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học với trường đại học Công nghệ Kwantlen (KPU) Canada.

5. Định hướng phát triển

- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng và cải tiến phương pháp giảng dạy áp dụng CDIO.

- Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sỹ trong năm 2019. Ổn định và nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn lao động có kiến thức chuyên môn cao đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp dệt may và thời trang.

- Đầu tư cơ sở vật chất hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Tiếp tục chủ động liên hệ, hợp tác với các trường, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

PTK : Nguyễn Thị Lệ