Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Không biết câu “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” có từ bao giờ và đó là câu nói của người đã từng dạy hay từng học tiếng Việt, là người Việt Nam nói hay người nước ngoài nhận xét về tiếng Việt. Nếu bạn tra Google hoặc bỏ thời gian nghiên cứu thì chắc bạn cũng tìm ra thôi. Với tôi, trải qua 5 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, một khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để tôi “thấm thía” câu nói đó.

Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Đối với người nước ngoài, cái khó nhất của việc học nói tiếng Việt là học phát âm đúng thanh điệu với 6 loại khác nhau. Ngay cả đối với người nói tiếng có thanh điệu như tiếng Lào hay tiếng Trung thì việc phát âm đúng tiếng Việt cũng không dễ dàng. Như các cụ ta đã nói “ngã đau nhớ lâu”, vấp váp trong giao tiếp thực tế là một cách để người học hiểu và nhớ đặc điểm ngôn ngữ tiếng Việt. Có một lần tôi đến thăm các em lưu học sinh ở ký túc xá, chỉ thấy một em đang thu dọn giá giầy ở cửa phòng, tôi hỏi: “Các bạn đi đâu cả rồi?”. Nữ sinh Lào lễ phép trả lời “Các bạn ngu hết rồi ạ” (Các bạn ngủ hết rồi ạ). Hay một lần khác có em hỏi “Cô ơi, ngày mai có đi học bú không ạ?”. Lúc đầu, tôi cũng hơi “hoảng” nhưng may quá cũng kịp hiểu ra là “học bù”. Buồn cười nhất là khi sinh viên hỏi tôi về một món ăn “Cô ơi mua món xà phòng ở đâu, em muốn ăn?” – “Chết, sao lại ăn xà phòng, xà phòng không ăn được, chỉ để giặt quần áo thôi.” – “Không phải để giặt quần áo, món ăn ạ …”. Em sinh viên cố gắng hết sức để giải thích, nào là món đó hình tròn, cho vào rán, v.v … . Sáng hôm sau tìm ra “món ăn” yêu thích chiều hôm trước, tôi kể lại cho cả lớp. Cả lớp được một trận cười không dứt và kết quả là một chầu “xôi phồng” cô chiêu đãi cuối tuần. Chắc chắn các em sẽ không quên và mãi yêu món “xà phòng” này. Thanh điệu thật là quan trọng phải không các bạn!​

Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, nên người học cũng gặp không ít khó khăn khi học. Không ít lần chấm, sửa các bài viết của sinh viên tôi phải cười đến “đau bụng”. Trong tiếng Anh, coffee (từ 2 âm tiết) mới có nghĩa là cà phê. Nếu bạn chỉ nói co- hay –ffee thì đều không có nghĩa. Tuy nhiên, trong tiếng Việt từ “cà” và “phê”, nếu được tách riêng thì vẫn có nghĩa. Vì vậy, nếu bạn viết thiếu một từ là nghĩa sẽ khác ngay. Với chủ đề “Sinh hoạt hàng ngày”, một viết sinh viên của tôi viết thế này: “Cà sinh viên ở ký túc xá rất ngon và rẻ” (Tức là “Cà phê sinh viên ở ký túc xá rất ngon và rẻ”). Có lần, sinh viên hỏi tôi: “Cô ơi, cối là gì ạ?”, “Cô ơi, búa là gì ạ?”. Tôi nghĩ “quái, bài học hôm nay có phải về mấy thứ đấy đâu mà sao mấy đứa hỏi vậy nhỉ?”. Tôi bảo các em chỉ rõ các từ vừa hỏi. Hoá ra là “cây cối” và “chợ búa”. Các từ “cây” và “chợ” thì học rồi, chỉ có “cối” và “búa” là chưa biết. Cuốn từ điển mà các em đang dùng lại không có hai từ này. Đây chính là phương thức ghép để cấu tạo từ của tiếng Việt. ​

Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Cũng có lần, do sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa âm tiếng Việt và tiếng Lào, mà cả cô cả trò được một trận cười sảng khoái. Cô khen sinh viên “tốt”, “tốt lắm”. Nhìn xuống lớp thấy mấy em cười rồi cả lớp cùng cười. Một vài em nữ hơi đỏ mặt. Hoá ra “tốt” trong tiếng Lào là “xì hơi” trong tiếng Việt. Từ đó, mỗi lần cô giáo nói từ “tốt” phải dặn thêm “tốt Việt nhé” không phải “tốt Lào”. Hay hôm cô giáo giảng từ “hôn má”, cả lớp nói “không, em không hôn chó đâu”. Cô giáo ngớ người, tìm hiểu ra “má” trong tiếng Lào có nghĩa là “chó”. Còn từ “khỉ” trong tiếng Lào là gì, các bạn tự tìm hiểu nhé.​

Du học sinh Lào nói tiếng Việt

Thay cho lời kết

Có lần “mắng yêu” sinh viên tôi nói: “sinh viên Lào hư quá”. Ngay lập tức em ấy nói: “Cô nào trò nấy” hay mỗi lần tôi hỏi “Tuần này các em thích đi chơi ở đâu?” là ngay lập tức tôi nhận được câu trả lời “Đi đâu đi hết, đi chết không đi ạ”.

Thật vui, chúng tôi đã làm được, đã truyền được cái hồn ngôn ngữ Việt cho các em, giúp các em vượt qua “phong ba bão táp”.

Tin tiêu điểm

Chương trình giao lưu ẩm thực Việt – Hàn.

Chương trình giao lưu ẩm thực Việt – Hàn.

Thứ Hai, 14:08 18/03/2013