Một số khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ - Phần 5

shtt03.jpeg


Câu hỏi 22. Tên thương mại là gì?


Trả lời: Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dùng để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực (Điều 4.21 Luật SHTT).

Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa.

Tên thương mại bao gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt.

Phần mô tả là một tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh.

Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau). Ví dụ: Với tên Công ty TNHH xây dựng Thành Đô. Phần mô tả là “Công ty TNHH xây dựng”, phần phân biệt là “Thành Đô”, phân biệt với “Công ty TNHH xây dựng Tiến Thành”. “Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam” không có khả năng phân biệt (Tổng công ty - mô tả loại hình công ty; Bưu chính viễn thông- lĩnh vực hoạt động; Việt Nam - không có khả năng phân biệt). Vì vậy phải thêm dấu hiệu khác là “VNPT” là tên giao dịch.

Tên thương mại thường là tên doanh nghiệp.

Câu hỏi 23. Những yêu cầu của tên thương mại?

Trả lời: Quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng hợp pháp tên thương mại đó tương ứng với khu vực là lãnh thổ kinh doanh, không cần thực hiện thủ tục đăng ký. Tên thương mại được bảo hộ khi có khả năng phân biệt, đáp ứng các điều kiện sau:

Chứa thành phần tên riêng, trừ trưòng hợp đã được biết rộng rãi.

Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà tổ chức khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực, khu vực kinh doanh.

Không thuộc các trường hợp như: Sử dụng tên gọi các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh (Điều 77, Điều 78 Luật SHTT).

Ngoài ra những tên thương mại có thêm từ ngữ “tân” “cựu” “mới” trước, hoặc sau các tên thương mại đã có trước đó cũng không đáp ứng yêu cầu của tên thương mại.

Câu hỏi 24. Cần lưu ý điểm gì khi lựa chọn tên thương mại?

Trả lời: Tên thương mại thuộc tài sản trí tuệ cần chú ý xây dựng và bối đắp ngay khi doanh nghiệp ra đời. Mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại (dù có thể có nhiều nhãn hiệu hàng hoá khác nhau).

Cần lưu ý khi thiết kế tên thương mại:

Phần phân biệt nên là tập hợp chữ, dễ phát âm, dễ nhớ với số đông người giao tiếp ở thị trường doanh nghiệp kinh doanh. Nếu có ý định hoạt động ở nước ngoài thì không nên chọn tập hợp chữ có dấu vì khó phát âm. Cần chú ý nghĩa của tập hợp các chữ, không có nghĩa xấu gây phản cảm. Tên thương mại của mình không trùng hoạc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của người khác, không vi phạm điều cấm. Lựa chọn dấu hiệu chữ tạo ấn tượng về phong cách (tin cậy, năng động).

Để đảm bảo khả năng phân biệt phải rà soát tên thương mại của các doanh nghiệp khác hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng thị trường để tránh tên thương mại của mình xung đột (trùng, không có thể phân biệt) với các tên thương mại đã có.

Câu hỏi 25. Chủ doanh nghiệp có những quyền sở hữu công nghiệp nào đối với tên thương mại của mình?

Trả lời: Chủ doanh nghiệp sở hữu tên thương mại là tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh dưới tên thương mại, có những quyền sau:

Quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên thương mại để xưng danh, thể hiện trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm hàng hoá bao bì và quảng cáo.

Quyền chuyển giao theo hợp đồng, thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được bảo hộ khi chủ sở hữu còn duy trì hoạt động với tên thương mại này.

Câu hỏi 26. Đề nghị giải thích về chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý phải đăng ký không?

Trả lời: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh hổ hay quốc gia cụ thể.

Chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo diều kiện sau thì được bảo hộ:

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do diều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định (Điều 79 Luật SHTT).

Một số sản phẩm đã được mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như bưởi Đoan Hùng, nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận.

Câu hỏi 27. Đối tượng nào không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý?

Trả lời: Các đối tượng sau không được bảo hộ là chỉ dẫn địa lý:

Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hoá ở Việt Nam.

Chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài mà tại đó, chỉ dẫn địa lý này không được bảo hộ, đã bị chấm dứt, hoặc không còn được sử dụng.

Chỉ dẫn địa lý tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ trong trường hợp nếu sử dụng chỉ dẫn địa lý sẽ gây nhầm lẫn về nguồn gốc của sản phẩm.

Chỉ dẫn địa lý gây hiểu sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó (Điều 80 Luật SHTT).

Câu hỏi 28. Ai là chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý, người có quyền đăng ký chỉ dẫn chỉ dẫn địa lý và gồm những quyền gì?

Trả lời: Những cơ quan sau đây có quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý:

Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố nơi có khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý được công nhận thuộc phạm vi một tỉnh.

Uỷ ban Nhan dân một tỉnh, được Uỷ ban nhân dân tỉnh khác uỷ quyền khi khu vực địa lý được công nhận thuộc nhiều địa phương.

Cơ quan, tổ chức được Uỷ ban nhân dân tỉnh uỷ quyền quản lý chỉ dẫn địa lý với điều kiện cơ quan, tổ chức này đại diện cho quyền lợi của tất cả tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý (Điều 121.4 Luật SHTT, Điều 18.1 Nghị định 103/2006/NĐ-CP).

Mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đó với điều kiện hàng hoá do tổ chức, cá nhân đó sản xuất phải đảm bảo uy tín hoặc danh tiếng vốn có của hàng hoá này.

Khi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thì họ có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá này.

  • Thứ Sáu, 11:07 29/06/2012

Tags: