Hoạt động Robocon trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

- Năm 2002: ABU Robocon đầu tiên được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) với với chủ đề “Chinh phục núi Phú Sĩ” . 2002 cũng là năm đầu tiên Đài truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi trong nước. Tại cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm đó đã có 17 đội tuyển đến từ 6 trường Đại học trong cả nước đăng ký tham dự.Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (lúc đó là trường CĐCN HN) chưa có đội tuyển đăng ký tham dự nhưng đã có những chuẩn bị cần thiết về nguồn lực (con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ…) để đăng ký tham dự cho những năm sau. Kết thúc vòng chung kết toàn quốc, đội tuyển Telematic, Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đoạt chức vô địch trong nước, đại diện Việt Nam tham dự ABU Robocon. Tại cuộc thi này, Việt Nam giành chức Vô địch và nhận Giải đặc biệt của nhà tài trợ ngay năm đầu tiên tham dự. Việc Telematic vô địch ABU Robocon như là phát súng đại bác khai hoả cho bạn bè quốc tế thấy được bản lĩnh sáng tạo của tuổi trẻ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới – lĩnh vực điều khiển robot. Telematic vô địch cũng là nguồn cổ vũ, nguồn động lực cho các đội tuyển robot của các trường đại học, cao đẳng đăng ký tham gia cuộc Sáng tạo robot Việt Nam, tạo tiền đề cho cuộc thi lớn mạnh như ngày hôm nay.

- Năm 2003: ABU Robocon được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) với chủ đề “Cầu mây chinh phục không gian”. Đài truyền hình Việt Nam phát động cuộc thi trong nước với hơn 130 đội tuyển đăng ký tham dự. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội có đội tuyển DEA của khoa Điện tử đăng ký tham dự nhưng chưa đạt giải. Đội BKCT của trường Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi vô địch Việt Nam tham dự ABU Robocon đã đạt giải Ba và Giải Ý tưởng Sáng tạo xuất sắc.

- Năm 2004: ABU Robocon được tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) với chủ đề: “Cuộc đoàn tụ Ngưu Lang - Chức Nữ”. Cuộc thi trong nước thu hút được 152 đội tuyển đăng ký và cuối cùng còn 112 đội chính thức tham gia thi đấu, các đội tuyển được chia thành 2 khu vực phía Bắc và phía Nam, thi đấu vòng loại để chọn ra 32 đội xuất sắc nhất tham gia thi đấu vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội có 4 đội tuyển đăng ký tham dự, trong đó khoa Cơ khí 01 đội; khoa Điện tử 01 đội và Trung tâm Việt Nhật 02 đội. Đội tuyển CK-CCH của khoa Cơ khí ( CĐV: Thầy Chu Khắc Chung) đã lọt vào vòng 1/32 - chung kết toàn quốc. Đội FXR, Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đoạt chức Vô địch trong nước đồng thời cũng giành luôn chức vô địch khu vực năm đó về cho Việt Nam.

- Năm 2005: ABU Robocon được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Ban tổ chức xây dựng luật chơi dựa trên câu ngạn ngữ “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (Chưa đến Trường Thành chưa phải là hảo hán) để đặt tên "Lửa thiêng rực sáng Trường Thành" làm chủ đề cho cuộc thi. Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam 2005 đánh dấu con số các đội đăng ký tham gia ở mức kỷ lục là 300 đội, cuối cùng có 175 đội tuyển chính thức dự thi. Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội có 4 đội tuyển đăng ký tham dự, trong đó khoa Cơ khí 01 đội; khoa Điện 01 đội; khoa Điện tử 01 đội và Trung tâm Việt Nhật 01 đội. Rất tiếc không có đội tuyển nào của trường lọt vào vòng chung kết toàn quốc. Đội tuyển BK CBG1 - Đại học Bách Khoa Hà Nội vô địch cuộc thi trong nước nhưng không đạt giải trong cuộc thi quốc tế do robot bị hỏng trong quá trình vận chuyển thi đấu quốc tế.

- Năm 2006: ABU Robocon được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia). Với chủ đề : “Vươn tới đỉnh cao”. Luật thi năm 2006 được xây dựng dựa trên tòa tháp đôi cao nhất thế giới Petronas của nước chủ nhà. Trong nước, Đài truyền hình Việt Nam phát động cuộc thi với 322 đội tuyển đăng ký và chính thức tham gia có 230 đội đến từ 48 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 5 đội tuyển đăng ký tham dự, trong đó khoa Cơ khí 01 đội; khoa Điện 01 đội; khoa Điện tử 02 đội và Trung tâm Việt Nhật 01 đội. Đội tuyển MATS của khoa Cơ khí (CĐV: Thầy Nhữ Quý Thơ) đã lọt vào vòng 1/32 - chung kết toàn quốc tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Tại vòng chung kết toàn quốc, Đội tuyển BKPRO của trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh đoạt chức Vô địch, đại diện cho Việt Nam tham dự ABU Robocon. Lần thi này, BKPRO đoạt chức Vô địch và Giải thiết kế của ban tổ chức ABU. Đây là lần thứ 3 Việt Nam giành chức vô địch. Cả 3 lần đều là các đội tuyển đến từ trường Đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh do thầy giáo Huỳnh Văn Kiểm làm chỉ đạo viên.

- Năm 2007: Đài truyền hình Việt Nam đăng cai tổ chức cuộc thi Sáng tạo Robot châu Á- Thái Bình Dương lần thứ 6 với chủ đề “Khám phá Hạ Long’". Luật thi Robocon 2007 dựa trên sự tích Vịnh Hạ Long. Các Robot (tượng trưng cho các con rồng) sẽ mang các khối hình trụ (tượng trưng cho các viên ngọc) để tạo ra các hòn đảo lớn nhỏ tượng trưng cho "Hạ Long" và "Bái Tử Long". Đội đầu tiên hoàn tất việc xây dựng các hòn đảo chiến thắng (ba hòn đảo tạo thành 3 đỉnh của chữ V) sẽ giành được chiến thắng tuyệt đối "Victory Islands". Mỗi trận đấu kéo dài 3 phút. Vì là nước chủ nhà nên Việt Nam có 02 đội được tham dự ABU Robocon quốc tế là đội VN1 và đội VN2. Để chọn 2 đội đại diện cho Việt Nam, Đài THVN đã tổ chức cuộc thi trong nước với 357 đội tuyển đến từ khắp nơi trong cả nước đăng ký tham dự. Số lượng các đội đăng ký đông đã làm cho sân chơi này thực sự nóng lên. Tham dự cuộc Sáng tạo robot Việt Nam 2007 cũng đánh dấu một kỷ lục mới đối với các đội tuyển robot của trường ĐHCN HN khi số đội đăng ký tham dự là 13 bao gồm: khoa Cơ khí 04 đội; khoa Điện 02 đội; khoa Điện tử 05 đội và Trung tâm Việt Nhật 02 đội. Kết thúc vòng loại Miền Bắc có 03 đội tuyển của trường lọt vào VCK toàn quốc gồm khoa Cơ khí 01 đội ( Đội MAT CĐV: Thầy Nhữ Quý Thơ), khoa Điện tử 02 đội ( Đội ĐT03 CĐV thầy Vũ Trung Kiên và đội ĐT02 CĐV: Thầy Nguyễn Ngọc Anh). Tại vòng chung kết gồm 32 đội tổ chức tại Hà Nội đã tìm ra được 2 đội đại diện cho Việt Nam là đội BKDC của trường ĐHBK Đà Nẵng – Vô địch (VN1) và đội ĐT 03 – Á quân (VN2) của trường ĐHCN HN. Đây là lần đầu tiên có một đội tuyển robot của trường ĐHCN HN đạt giải cao tại VCK toàn quốc. Thành công này có được sự nỗ lực nghiên cứu chế tạo robot và giao lưu học học hỏi của các đội tuyển, sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường đặc biệt là việc đầu tư sân thi đấu robot, ngoài ra còn có sự giúp đỡ vô cùng to lớn từ các cơ quan, ban ngành. Sau ba tháng chuẩn bị kể từ khi kết thúc VCK toàn quốc, hai đội tuyển VN1 và VN2 đã tham dự ABU Robocon vào đầu tháng 9/2007 tại Hà Nội. Đáng tiếc không có đội nào của Việt Nam đạt giải tại lần thi quốc tế này, nhất là khi Việt Nam có lợi thế là nước chủ nhà.

- Năm 2008: ABU Robocon được tổ chức tại thành phố PUNE - Ấn Độ với chủ đề GOVINDA. Tiếp đà hưng phấn của năm 2007, 18 đội tuyển robot của trường ĐHCN HN đăng ký tham dự cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam 2008 bao gồm khoa Cơ khí 05 đội; khoa Điện 03 đội; khoa Điện tử 06 đội và Trung tâm Việt Nhật 02 đội. Cả nước cũng có tới gần 400 đội tuyển đến từ hơn 50 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp đăng ký tham dự. Vòng chung kết toàn quốc được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Trường ĐHCN HN có 03 đội tuyển lọt vào VCK toàn quốc bao gồm Khoa Điện 01 đội ( EDR-G3T CĐV: Thầy Hà Trung Kiên) và khoa Điện tử 02 đội ( FEE02 CĐV thầy Nguyễn Ngọc Anh và đội ĐTU 18 Nam Triệu CĐV thầy Nguyễn Viết Tuyến). Đội tuyển FEE 02 của trường sau vượt qua nhiều đối thủ mạnh khác như BKIT (ĐHBK TP. HCM), Ngũ Hành Sơn (ĐHBK ĐN)…lên ngôi vô địch tại Vòng chung kết toàn quốc. FEE 02 đã đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Ấn Độ. Tại cuộc thi này, đội tuyển FEE 02 của nhà trường đã đoạt giải: Đội có ý tưởng Sáng tạo nhất.

- Năm 2009: ABU Robocon được tổ chức tại TOKYO – Nhật Bản với chủ đề “Cùng nhau hành trình tới tiếng trống chiến thắng”.Cuộcthi trong nước cũng đã thu hút được khoảng 350 đội đăng ký tham dự, trường ĐHCN HN có 18 đội đăng ký bao gồm khoa Cơ khí 04 đội; khoa CN ôtô 04 đội; khoa Điện 05 đội; khoa Điện tử 03 đội và Trung tâm Việt Nhật 02 đội. Ý tưởng chế tạo robot của các đội tuyển nhà trường thực sự xuất sắc, được nhiều đội bạn thán phục, thời gian giành chiến thắng tuyệt đối ngắn kỷ lục. Tuy nhiên do sự không rõ ràng của luật thi làm nhiều đội bị cấm ở vòng 2 – vòng loại miền Bắc cùng với chất lượng linh kiện làm robot không tốt dẫn đến hỏng hóc đã khiến nhiều đội của trường bị loại trong luyến tiếc để rồi chỉ có 01 đội được lọt vào VCK toàn quốc được tổ chức tại TP. Huế (đó là đội CN ĐT03 của khoa Điện tử, CĐV: thầy Hoàng Mạnh Kha). Tại VCK toàn quốc lần này, đội tuyển CNĐT 03 đã có tâm lý thi đấu chưa tốt dẫn đến những sai sót trong quá trình điều khiển và thất bại mặc dù tất cả các đội của các trường bạn đều đánh giá chúng ta rất mạnh. Thất bại của năm 2009 là bài học xương máu của các đội tuyển nhà trường trong việc tìm hiểu và làm rõ luật thi, lựa chọn linh kiện, thiết bị chế tạo robot, người điều khiển robot và rèn luyện bản lĩnh thi đấu cho các năm về sau. Kết thúc VCK toàn quốc 2009, Đội tuyển SPK-KNIGHT của trường Đại học sư phạm kỹ thuật TP. HCM đã vô địch, đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế và giành giải Nhì.

- Năm 2010: ABU Robocon được tổ chức tại CAIRO – AI CẬP với chủ đề: “ROBO PHARAON”. Đã có hơn 300 đội tuyển đang ký tham dự cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam 2010. Trường ĐHCN HN có 16 đội tuyển đăng ký tham dự bao gồm khoa Cơ khí 07 đội; khoa CN ôtô 02 đội; khoa Điện 02 đội; khoa Điện tử 03 đội và Trung tâm Việt Nhật 02 đội. Đã có 03 đội tuyển của trường lọt vào VCK toàn quốc tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột – Tỉnh Đắk Lắk gồm khoa Cơ khí 01 đội ( CĐT1 CĐV: Thầy Nguyễn Văn Mạnh) và khoa Điện tử 02 đội (VOI01 CĐV: Thầy Phạm Văn Chiến, VOI03 CĐV: Thầy Nguyễn Văn Tùng). Đội tuyển VOI 03 – ĐHCN HN đã có thể vượt qua Đội tuyển LH LED của trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) tại trận chung kết nếu như robot tự động thi đấu ở khu vực kim tự tháp Mankaura thi đấu ổn định như tất cả các trận trước đó để lên ngôi vô địch. Giả thiết vẫn là giả thiết khi chúng ta để tuột mất chức vô địch trong gang tấc. Đây là lần thứ hai chúng ta giành vị trí Á quân của cuộc thi. Tuy nhiên nhìn nhận toàn cục mùa giải thì trường ĐHCN HN của chúng ta đoạt giải Nhì là hoàn toán xứng đáng, nhất là khi trường Đại học Lạc Hồng - đối thủ chính của chúng ta có mức độ đầu tư và khát khao chiến thắng lơn hơn rất nhiều lần. Đội tuyển LH LED – ĐH Lạc Hồng sau khi giành chức vô địch toàn quốc, đã đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế và giành giải Nhì.

- Năm 2011: ABU Robocon kỷ niệm 10 năm ra đời. Thái Lan vinh dự là nước chủ nhà cho ABU Robocon 2011 với chủ đề “Loy Krathong – Tình bạn thắp sáng niềm vui”. Tại cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam năm nay đã có 245 đội tuyển đến từ 25 trường đại học trong cả nước đăng ký tham dự. Các đội tuyển được chia thành 3 khu vực: Miền Bắc Miền Trung và Miền Nam, thi đấu vòng loại để chọn ra 32 đội xuất sắc nhất tham gia thi đấu vòng chung kết toàn quốc tổ chức tại TP. Đà Nẵng. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 16 đội tuyển đăng ký tham dự, trong đó khoa Cơ khí 04 đội; khoa CN ôtô 03 đội; khoa Điện 02 đội; khoa Điện tử 04 đội Trung tâm Cơ khí 02 đội và Trung tâm Việt Nhật 01 đội. Tại vòng loại khu vực Miền Bắc, các đội tuyển robot của trường đã thi đấu áp đảo trước tất cả các đội tham dự vòng loại Miền Bắc khi lần đầu tiên có tới 7 đội tuyển của trường lọt vào VCK toàn quốc tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Đó là các đội: ALLIGATOR, TĐKL, CĐT1K4, CNKTĐT1, CNKTĐT3, VJC2 và Đội VJC1.

Với 7 đội tuyển lọt vào VCK toàn quốc đây là cơ sở để chúng ta tin rằng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ đạt giải cao tại vòng chung kết toàn quốc năm nay. Tuy nhiên khi so sánh về chất lượng giữa các đội tuyển của 3 khu vực Bắc – Trung – Nam vẫn thấy rằng trình độ ứng dụng công nghệ, tốc độ, sự ổn định và cả hình thức Robot của các trường phía Nam tốt hơn chúng ta. Từ ngày 06 – 16/5/2011 đã diễn ra Vòng chung kết toàn quốc 2011 tại TP. Đà Nẵng. Vượt qua vòng 1/32 – Chung kết toàn quốc đã có 5 đội tuyển của nhà trường lọt vào vòng 1/16. Đây là thành tích tốt nhất tại vòng 1/16 của trường ta từ trước tới nay. Tuy nhiên trước một đối thủ quá mạnh là trường Đại học Lạc Hồng, có 4 đội tuyển của chúng ta đã bị thua, chỉ còn lại ALLIGATOR lọt vào các vòng sau. Một lần nữa kịch bản của trận chung kết Robocon Việt Nam 2010 lại được lặp lại khi2 đội tuyển của hai trường ĐHCN HN và ĐH Lạc Hồng gặp nhau tại trận chung kết 2011. Rất nhiều người đã nghĩ đến việc lập lại kịch bản của hai năm 2007 và 2008 khi chúng ta có thể lật ngôi vương của Trường ĐH Lạc Hồng để trở thành tân vương trong cuộc thi năm nay.

Trận chung kết đầy duyên nợ giữa đại diện của ĐH Lạc Hồng, LH-B7 và đại diện của ĐH Công nghiệp Hà Nội, ALLIGATOR diễn ra một cách kịch tính và hấp dẫn, đúng như dự đoán của giới chuyên môn và những khán giả trung thành của Robocon. Nếu như LH-B7 sử dụng 4 cảm biến siêu âm và 2 cảm biến quang cho robot tự động thì ALLIGATOR chỉ sử dụng cảm biến quang ở robot mang tính quyết định này. LH-B7 giành lợi thế trong việc sử dụng robot bằng tay nhưng robot tự động của ALLIGATOR lại nhanh hơn trong việc thực hiện thả Krathong lên sông. Tuy nhiên, với tốc độ và sự ổn định của robot tự động thả ngọn lửa đèn, LH-B7 đã giành được một chiến thắng Loy-Krathong một cách nghẹt thở khi chỉ hơn ALLIGATOR vài giây.

Năm thứ hai liên tiếp chúng ta giành giải Nhì khi chức vô địch chỉ cách chúng ta có vài giây. Một lần nữa, trường ĐH Lạc Hồng lại đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi quốc tế tại Băng Cốc và tháng 8/2011.

Trong 10 năm Đài THVN tổ chức Cuộc thi Sáng tạo robot Việt Nam, 9 năm liên tiếp từ 2003 đến 2011, trường CĐCN HN trước đây và ĐHCN HN ngày nay đều có đội tuyển đăng ký tham dự. Sinh viên nhà trường đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào với 01 lần đoạt chức vô địch toàn quốc, 3 lần đạt giải Nhì toàn quốc, 01 lần đạt giải đội có ý tưởng sáng tạo nhất, 01 lần đạt giải công nghệ của Ban tổ chức Robocon Việt Nam, 01 lần đạt giải Đội có ý tưởng Sáng tạo nhất của Ban tổ chức ABU Robocon; nhiều năm liên tiếp có các đội tuyển lọt vào VCK toàn quốc. Trường ĐHCN HN đã trở thành một trong những trường có bề dày thành tích nhất trong cuộc thi Sáng tạo robot hàng năm. Robocon đã tạo sân chơi bổ ích cho HSSV nhà trường có cơ hội học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo và giao lưu giữa HSSV các trường. Đó cũng chính là hình thức quảng bá hình ảnh, khẳng định vị thế và uy tín trường ĐH Công nghiệp HN với bạn bè trong nước và khu vực.