Ngày thống nhất non sông (30/4/1975) - Kết thúc cuộc trường chinh của nhân dân Việt Nam chống chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước

Nhân dịp kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2018) xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Vũ Quang Hiển - Khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước là ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam không chỉ là ngày toàn thắng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), mà còn kết thúc quá trình đấu tranh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân, kể từ khi bị đế quốc Pháp xâm lược và thống trị, trải qua nhiều chặng đường đầy gian lao thử thách. Đó thực sự là ngày hội thống nhất non sông.

Ngày thống nhất non sông (30/4/1975) - Kết thúc cuộc trường chinh của nhân dân Việt Nam chống chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước

(Ảnh Quốc kỳ Việt Nam - Sưu tầm Internet)

1. Bước khởi đầu của sự nghiệp đấu tranh chống ách nô dịch thuộc địa, vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước

Sau gần ba thập kỷ tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký các hàng ước H’ Armand (1883) và Ptenôtre (1884), chia nước Việt Nam thành ba kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau: Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Trung Kỳ là xứ bảo hộ và Bắc kỳ là xứ bán bảo hộ; cùng với hai xứ Lào và Campuchia nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Pháp.

Chia để trị là một trong những nguyên tắc thống trị của thực dân Pháp. Việt Nam không được coi là một quốc gia quốc gia thống nhất, không có một cơ cấu chính quyền hoặc một nghị viện chung, dù là giả hiệu. Bộ máy quan lại của triều đình nhà Nguyễn được “tự trị” ở một số tỉnh miền Trung, nhưng không có thực quyền. Thay mặt Chính phủ Pháp cai trị Đông Dương về mọi mặt là quan Toàn quyền, bên dưới là Thống đốc Nam kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ và các Khâm sứ ở Trung Kỳ, Lào và Campuchia. Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, các viện dân biểu ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ được thực dân Pháp lập ra để thể hiện tính chất “dân chủ” ở thuộc địa.

Nếu như trong cách mạng tư sản Pháp, giai cấp tư sản thực hiện xoá bỏ tình trạng cát cứ phong kiến, thống nhất lãnh thổ để hình thành thị trường dân tộc, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa phát triển, thì ở nước Việt Nam thuộc địa, họ lại thực hiện sự chia cắt lãnh thổ và chia rẽ dân tộc. Họ lập “ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà”, “để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”[1].

Sự nghiệp đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập của dân tộc Việt Nam cũng là cuộc đấu tranh cho sự thống nhất và toàn vẹn chủ quyền quốc gia. Sự nghiệp đó đòi hỏi sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”[2].

Mục đích của Cách mạng tháng Tám là “giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”[3]. Muốn làm được điều đó, phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Để thực hiện, thống nhất lực lượng và sức mạnh toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh cho độc lập tự do, Mặt trận Việt Minh ra đời với các đoàn, hội thành viên mang tên “cứu quốc”, góp phần đẩy mạnh công cuộc chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, “chớp thời cơ ngàn năm có một”, Đảng và Việt Minh lãnh đạo nhân dân vùng lên tổng khởi nghĩa, kết hợp lực lượng chính trị với lực lượng vũ trang, kết hợp nông thôn và thành thị, làm tan rã bộ máy chính quyền của quân phiệt Nhật và tay sai, thành lập một Chính phủ dân tộc thống nhất trong toàn quốc trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Như vậy, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước được thực hiện bằng một cuộc cách mạng do nhân dân Việt Nam tiến hành, chứ không phải nhờ vào sự giải phóng của quân Đồng minh. Nhiệm vụ của quân Đồng minh là giải giáp quân đội Nhật chứ không phải là chiếm đóng và chia cắt nước Việt Nam, lập ra những chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.

Trước yêu cầu vô lý của Chính phủ Pháp về lãnh thổ Việt Nam[4], trong Tuyên ngôn Độc lập(2/9/1945), Hồ Chí Minh tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam”. Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: “Khi người Nhật bị đánh bại vào tháng 8-1945, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam được thống nhất lại dưới một Chính phủ Cộng hoà lâm thời và Chính phủ này đã lập tức đi vào hoạt động trong năm tháng, hòa bình và trật tự được lập lại, một nền Cộng hoà Dân chủ được thiết lập trên những cơ sở pháp lý, và đã dành cho các nước Đồng minh sự giúp đỡ thoả đáng trong việc thực hiện sứ mệnh giải giáp của họ”[5].

Cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội khoá I (6-1-1946) thể hiện đầy đủ ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là xây dựng một đất nước thống nhất và độc lập. Chính phủ chính thức do Quốc hội lập hiến bầu ra (2/3/1946) “thật là Chính phủ của toàn dân”. Những việc làm đó không chỉ nhằm kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước, mà còn thể chế hoá nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.

2. Kiên trì cuộc mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều quốc gia bị chia cắt, dẫn tới sự hình thành hai nhà nước đối lập về chính trị như các trường hợp nước Đức, Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam. Trong xu thế hòa hoãn, các cường quốc đều chủ trương duy trì nguyên trạng trật tự thế giới, nhưng cả dân tộc Việt Nam vẫn đoàn kết và kiên cường đấu tranh vì một quốc gia độc lập và thống nhất.

Bình minh độc lập trên đất nước Việt Nam chưa được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược, tiếp tục theo đuổi chính sách chia cắt đất nước. Sau khi chiếm được Nam Kỳ và Buôn Ma Thuột, họ tách rời Nam Bộ thành xứ Nam Kỳ tự trị và miền cao nguyên thành nước Tây Kỳ tự trị (2/1946). Sau đó họ lập ra Chính phủ Nam Kỳ quốc do Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng (3/1946). Đó là những hành động phá hoại tiêu chuẩn thống nhất quốc gia Việt Nam. Chính vì thế, nhân dân Việt Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh để “giữ lấy và phát triển những thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, tức là hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ”[6]. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng và Chính phủ đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, tổ chức và điều hành đất nước, tiến hành một cuộc đấu tranh tự lực tự cường, đặc biệt là kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình.

Ngày 6/3/1946, Hiệp định sơ bộ được ký kết giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện Chính phủ Pháp, tuy chưa đòi được thực dân Pháp công nhận nền độc lập, nhưng họ phải công nhận sự thống nhất của nước Việt Nam: Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thực hiện thống nhất đất nước sẽ do trưng cầu dân ý quyết định.

Trước ngày lên đường sang Pháp (6/1946), trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Chính phủ khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”[7]. Mục đích chuyến sang Pháp của Hồ Chí Minh là “giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất”.

Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội hữu nghị Pháp - Việt tổ chức tại Paris (2/9/1946), Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được”, “... sự chia rẽ và chia cắt không thể mang lại phồn vinh. Thật là phi lý nếu toan tính dựa vào nước Việt Nam suy yếu, chia rẽ và bị chia cắt để đạt được sự hùng mạnh của Liên hiệp Pháp”[8].

Sau khi đi Pháp về, Hồ Chí Minh tuyên bố với quốc dân: Vì hoàn cảnh hiện thời ở nước Pháp, mà hai vấn đề độc lập và thống nhất của nước Việt Nam chưa giải quyết được. “Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam Bắc nhất định sẽ thống nhất”[9]. Tại phiên họp ngày 31/10/1946 của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I, sau khi được Quốc hội giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Hồ Chí Minh tuyên bố mục đích của Chính phủ là “trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất của nước nhà”[10].

Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946), Hồ Chí Minh vạch rõ hành động của Pháp “nặn ra nước Cộng hoà Nam Kỳ với một Chính phủ bù nhìn tay sai” và khẳng định nhân dân Việt Nam “kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[11].

Một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải dốc tất cả cho chiến tranh. Thiện chí hòa bình của Chính phủ và nhân dân Việt Nam được thực dân Pháp đáp trả bằng hành động quân sự. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam nhất tề vùng dậy với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng khẳng định mục đích của cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên nhân dân Việt Nam tiến hành một cuộc chiến tranh vừa mang tính chất giải phóng dân tộc, vừa mang tính chất bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hiện đại, chống lại chiến tranh xâm lược của một đế quốc lớn mạnh. Với lực lượng toàn dân, có lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương, từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, quân đội và nhân dân Việt Nam từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc từng bước tiến lên.

Cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, một biểu tượng hùng hồn của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và ý chí độc lập, thống nhất quốc gia. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương được ký kết, công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, cùng các nước Lào và Campuchia, là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

3. Kiên cường chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, xóa bỏ họa chia cắt đất nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc

Với việc ký kết và thi hành Hiệp định Giơnevơ, nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Theo Hiệp định này, sau 2 năm quân đội Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhưng đế quốc Mỹ vào thay Pháp ở miền Nam, thực thi chính sách chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, thân Mỹ, nằm trong “thế giới tự do” và đối lập với “phe cộng sản”. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngày càng bộc lộ rõ là những thế lực chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước.

Mục đích của nhân dân Việt Nam là đấu tranh giữ vững hòa bình “để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc”[12].

Trong thời gian đầu sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, nhân dân Việt Nam kiên trì đấu tranh bằng biện pháp chính trị hòa bình đòi thi hành những điều khoản của Hiệp định, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Việc điều chỉnh khu vực tập kết, chuyển quân là việc tạm thời, là bước quá độ để thực hiện đình chiến, lập lại hòa bình và tiến đến thống nhất đất nước bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do. Việc điều chỉnh khu vực chuyển quân theo vĩ tuyến 17 không phải là chia xẻ đất nước, càng không phải là phân trị. Trong bối cảnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập (9/1955), ra Tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, không phân biệt gái trai, già trẻ, dân tộc, thành phần xã hội, khuynh hướng chính trị và tín ngưỡng tôn giáo, không phân biệt trước đây đã đứng về phe nào, nhưng ngày nay tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, hãy xiết chặt hàng ngũ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, vì sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước.

Với ý chí và tình cảm Nam, Bắc một nhà, Đảng và Chính phủ hết sức quan tâm chăm sóc cán bộ, bộ đội, đồng bào và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc. Mùa Thu năm 1954, khi nghe tin đồng bào miền Nam tập kết đến Sầm Sơn, Hồ Chí Minh viết thư thăm hỏi và động viên mỗi người tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng đất nướ; đồng thời nhắc nhở Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thế Tạo, Trưởng ban đón tiếp lực lượng tập kết tại Sầm Sơn: “phải thay mặt Đảng, Chính phủ, tiếp đón thế nào để tỏ được sự yêu thương, lo lắng, thắm tình của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào miền Nam ruột thịt”[13].

Ngày thống nhất non sông (30/4/1975) - Kết thúc cuộc trường chinh của nhân dân Việt Nam chống chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước

(Xe tăng tiến vào dinh Độc lập - Ảnh sưu tầm Internet)

Dựa vào Mỹ, chính quyền Sài Gòn trốn tránh hiệp thương với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhằm chia cắt lâu dài nước Việt Nam. Trong khi nhân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh chính trị hòa bình, nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục kinh tế, xây dựng miền Bắc thành cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Miền Bắc là cái nền, cái gốc của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, nên mọi việc làm ở miền Bắc đều nhằm tăng cường lực lượng của cả hai miền. Nhiệm vụ quan trọng nhất của nhân dân, Quốc hội và Chính phủ là phải ra sức phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất đất nước và góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông - Nam Á và trên thế giới.

Đại hội lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam (9/1960) với đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền, đã đi vào lịch sử là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Trước tình hình Mỹ và chính quyền Sài Gòn thẳng tay dùng bạo lực đàn áp quần chúng, Trung ương Đảng quyết định để nhân dân miền Nam sử dụng bạo lực cách mạng chống lại những chính sách khủng bố của kẻ thù. Cuối năm 1959 và năm 1960, phong trào Đồng khởi bùng nổ và lan rộng khắp các vùng nông thôn miền Nam, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần tiến lên chiến tranh cách mạng. Từ trong thắng lợi của phong trào Đồng khởi, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, giương cao ngọn cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân miền Nam chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn, phấn đấu thực hiện một miền Nam Việt Nam độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường chiến tranh xâm lược bằng chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Trung ương Đảng xác định chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của quân và dân trên cả hai miền Nam, Bắc. Sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước là sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc. Miền Bắc là hậu phương lớn, miền Nam là tiền tuyến lớn, quân dân cả hai miền đều kiên trì đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

“Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người!”… là những khẩu hiệu hành động của nhân dân miền Bắc. Trên những tuyến đường chi viện chiến lược, nhất là Đường Trường Sơn, con đường huyền thoại, ngày đêm diễn ra cuộc vật lộn thế kỷ dưới mưa bom bão đạn của quân xâm lược Mỹ. Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Nắm thắt lưng địch mà đánh”, quân dân miền Nam anh dũng phát triển thế tiến công bằng sự kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kết hợp ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận; kết hợp ba vùng chiến lược: nông thôn rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị, quyết tâm “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Giữa lúc cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc đang diễn ra quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, để lại trong Di chúc điều mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Hồ Chí Minh căn dặn phải “chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”, nhấn mạnh nhiệm vụ hết sức quan trọng phải làm ngay sau ngày kháng chiến thắng lợi.

Quân và dân cả nước anh dũng chiến đấu với lời thề: “Gương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người”[14].

Sau những thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam, Bắc, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, đi vào đàm phán và ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973), thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, nhân dân Việt Nam phải tiếp tục đấu tranh. Đó là cuộc đương đầu quyết liệt giữa hòa bình với chiến tranh, giữa chính nghĩa với bạo tàn, giữa độc lập dân tộc và thống nhất đất nước với chia rẽ dân tộc và chia cắt đất nước.

Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân đội và nhân dân Việt Nam đã kết thúc cuộc trường chinh hơn một thế kỷ chống chủ nghĩa thực dân, rửa sạch nỗi nhục mất nước, xóa bỏ họa chia cắt đất nước, thu non sông về một mối, mở ra kỷ nguyên cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

PGS.TS Vũ Quang Hiển

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 1.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 256.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 35.

[4] Ngày 17-8-1945, khi lò lửa của cuộc khởi nghĩa dân tộc ở Việt Nam đang bùng cháy, De Gaulle họp Uỷ ban Quốc phòng Pháp vạch “Kế hoạch giải phóng Đông Dương”, quyết định cải tổ bộ máy chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, cử đô đốc Thierry D’Argenlieu làm Cao uỷ với chỉ thị: “Sứ mệnh đầu tiên của Cao uỷ là khôi phục lại chủ quyền của nước Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương” và tướng Leclerc làm Tư lệnh tối cao quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông với nhiệm vụ “thi hành mọi biện pháp quân sự cần thiết nhằm khôi phục chủ quyền ở đó” (Devillers Phillipe (1993), Pari - Sài Gòn - Hà Nội, Tài liệu lưu trữ của cuộc chiến tranh 1944-1947, Nxb. Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh, tr. 131).

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Ssđd, t. 4, tr. 202-203.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 36.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 280.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 327-328.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 468.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 478.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 522.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 37.

[13] Học sinh miền Nam – ngày ấy, bây giờ, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 15.

[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 30, tr. 276.

Nguồn: https://ussh.vnu.edu.vn/d6/vi-VN/news/Ngay-thong-nhat-non-song-3041975-Ket-thuc-cuoc-truong-chinh-cua-nhan-dan-Viet-Nam-chong-chia-re-dan-toc-va-chia-cat-dat-nuoc--1-490-17012

Tin tiêu điểm

Thông báo học bổng Brother năm học 2017-2018 cho sinh viên Tỉnh Hải Dương

Thứ Tư, 14:48 23/08/2017
Gặp mặt nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4

Gặp mặt nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4

Thứ Tư, 07:47 19/04/2017
Tổng kết công tác Văn hóa - Văn nghệ năm 2016

Tổng kết công tác Văn hóa - Văn nghệ năm 2016

Thứ Hai, 07:44 23/01/2017

DSSV nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập 4 tháng cuối năm 2016 và bổ sung 6 tháng đầu năm 2016

Thứ Hai, 10:58 28/11/2016

DSSV cấp bù tiền miễn giảm học phí HK1 năm học 2016-2017 và bổ sung năm học 2015-2016

Thứ Hai, 10:56 28/11/2016

DSSV nhận Học bổng và khen thưởng năm học 2015-2016 hệ ĐH K8,9,10; Cao đẳng K16,17; TCCN K62

Thứ Hai, 10:54 28/11/2016

Lịch cấp bù tiền miễn giảm học phí học kỳ 2 năm học 2015-2016

Thứ Hai, 08:33 24/10/2016

Thông báo học bổng Brother năm học 2016-2017 cho sinh viên Tỉnh Hải Dương

Thứ Tư, 08:57 31/08/2016

DSSV được hỗ trợ chi phí học tập 6 tháng đầu năm 2016

Thứ Năm, 16:08 21/07/2016

Danh sách HSSV được cấp bù tiền miễn giảm học phí HK2 năm học 2015-2016 và bổ sung HK1 năm học 2015-2016

Thứ Năm, 16:06 21/07/2016

Lịch cấp bù tiền miễn, giảm học phí học kỳ 1 năm học 2015-2016

Thứ Hai, 16:34 16/05/2016

Thông báo chương trình học bổng toàn phần bậc đại học Panasonic năm 2016

Thứ Hai, 11:30 09/05/2016

DSSV được cấp bù tiền miễn, giảm học phí HK1 năm học 2015-2016

Thứ Năm, 09:37 28/04/2016

Danh sách bổ sung HSSV được MGHP năm học 2013-2014 và 2014-2015

Thứ Ba, 08:20 19/01/2016

Thông báo về việc chi tiền học hổng, khen thưởng năm học 2014-2015 và tiền hỗ trợ chi phí học tập năm 2015

Thứ Ba, 08:15 19/01/2016

Danh sách sinh viên được nhận tiền hỗ trợ chi phí học tập năm 2015

Thứ Tư, 09:38 30/12/2015

Danh sách HSSV được nhận học bổng và khen thưởng năm học 2014-2015

Thứ Tư, 09:36 30/12/2015

Lịch cấp bù tiền miễn giảm học phí HK2 năm học 2014-2015, bổ sung HK 1 năm học 2014-2015, bổ sung năm học 2013-2014.

Thứ Hai, 07:57 02/11/2015

Thông báo về việc xét miễn, giảm học phí đợt cuối cùng cho năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015

Thứ Năm, 14:00 29/10/2015

Thông báo về việc xét hỗ trợ chi phí học tập năm 2015 cho sinh viên hệ đại học, cao đẳng chính quy

Thứ Sáu, 07:53 23/10/2015

Thông báo kế hoạch thu, nộp kinh phí học kỳ 1 năm học 2015-2016

Thứ Sáu, 10:18 04/09/2015

Thông báo thu BHYT bắt buộc đối với HSSV

Thứ Sáu, 10:15 04/09/2015

Danh sách HSSV thuộc diện cấp bù tiền MGHP học kỳ 2 năm học 2014-2015, bổ sung học kỳ 1 năm học 2014-2015 và bổ sung năm học 2013-2014

Thứ Năm, 15:52 03/09/2015