Đường Trường Sơn – Con đường huyền thoại!

Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang, tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn...

Suốt 16 năm, chiến trường Trường Sơn hứng chịu hơn 4 triệu tấn bom mìn do không quân Mỹ trút xuống. Trên toàn tuyến đường có tới 2.500 trọng điểm đánh phá. Trong ảnh là trọng điểm ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), đoàn xe di chuyển qua khu vực dày đặc hố bom.

Tháng 1-1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) đã đề ra đường lối đấu tranh vũ trang, tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt" mang tên Đoàn 559 mở đường vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Ngày 19-5-1959 trở thành ngày truyền thống của Đoàn 559 - Đường Trường Sơn" - Đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn

Từ những ngày đầu “xoi đường”…

Ngày 19/5/1959, Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) thành lập, đánh dấu sự khởi đầu của tuyến đường Trường Sơn. Mạng lưới giao thông quân sự này chạy dọc dãy Trường Sơn, từ miền Bắc qua miền Trung, hạ Lào và Campuchia để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vào những năm đầu, việc vận chuyển hàng chi viện được thực hiện bằng hình thức đi bộ, gùi thồ. Trong ảnh là các chiến sĩ của trung đoàn 70 - đơn vị đầu tiên của bộ đội Trường Sơn - đang thồ hàng trên tuyến Tây Trường Sơn tháng 9/1961.

Lực lượng ban đầu của Đoàn 559 gồm 500 cán bộ, chiến sĩ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301 và các bộ phận: Xây dựng bảo quản kho, bao gói hàng, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm và vận chuyển vào chiến trường...

Đoàn 559 đã chọn khe Hó, nằm giữa một thung lũng ở Tây Nam Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát đầu tiên để tiến vào Trường Sơn “xoi đường”, lập trạm, ban đầu lấy sức người gùi là chính trên con đường nhỏ hẹp. Khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc này là "ở không nhà, đi không để dấu, nấu không để khói, nói không thành tiếng". Các "đường dây" gùi hàng phải chủ động tránh địch, tránh cả dân để bảo toàn lực lượng, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn của tuyến đường.

Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt chốt chặn nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên gồm 20 khẩu tiểu liên, 20 khẩu trường, 10 thùng đạn các loại... Đây là một cái mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện của lòng dân ý Đảng, là tình cảm của Bác Hồ, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt.

Cũng trong tháng 5-1959, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên khu V “xoi đường” nối hai chiến trường Khu V và Nam Bộ, nối thành hành lang chiến lược Nam-Bắc. Đoàn B90 gồm 25 cán bộ và chiến sĩ, ngày 20-6-1959 đã vượt thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền tây Trị-Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó, Liên khu V quyết định sáp nhập Đoàn B90 với Đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc, lấy phiên hiệu là B4 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc phụ trách. B4 chia thành 2 bộ phận “xoi đường” vào Nam Bộ.

Như vậy, đến cuối năm 1959, tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn đã được thiết lập, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với chiến trường miền Nam. Tuy mới nửa năm thành lập, vừa tổ chức vừa xây dựng lực lượng, vừa “xoi đường” vận chuyển vũ khí, trang bị chi viện cho miền Nam, đưa cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam chiến đấu, tuyến vận tải quân sự chiến lược cũng như sự có mặt của những con người, khẩu súng, viên đạn ở chiến trường lúc này tuy còn ít ỏi nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong việc xây dựng LLVT nhân dân, trực tiếp góp phần đưa cách mạng miền Nam phát triển lên một cao trào mới.

Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng luôn luôn theo dõi sát sao từng bước đi của Đoàn 559. Trong thư gửi Đoàn 559 nhân dịp Xuân Canh Tý (1960), Tổng Quân ủy đánh giá: "Các đồng chí đã đảm nhận một nhiệm vụ rất vinh quang, góp phần cống hiến rất cụ thể vào sự nghiệp đấu tranh hoàn thành giải phóng dân tộc của nhân dân ta... Nhờ có tinh thần yêu nước, cách mạng cao, nên các đồng chí đã vượt khó khăn gian khổ, đạt được những kết quả bước đầu rất tốt đẹp...".

đến “Con đường huyền thoại”!

Một xe đạp thồ có thể chở tới 420kg hàng hóa

Phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, công cuộc giải phóng miền Nam bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi sự chi viện lớn hơn về sức người, sức của từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Do vị trí hết sức quan trọng của tuyến vận tải quân sự chiến lược, nên đế quốc Mỹ và tay sai đã tìm trăm phương ngàn kế để đánh phá đường Trường Sơn với đủ loại phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại. Cuộc chiến đấu giữa ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Trường Sơn diễn ra ngày càng quyết liệt.

Trước sự đòi hỏi ngày càng lớn của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 phải phát triển nhanh chóng cả về lực lượng và phương thức vận chuyển. Đoàn 559 từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu, đã từng bước trưởng thành nhanh chóng, bao gồm đủ các lực lượng công binh, giao liên, thông tin, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Đoàn 559 thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, có lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", luôn luôn chủ động đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường. Quân số của Đoàn 559 có lúc đã lên tới 20 vạn người.

Cầu treo bắc qua sông Talê - đường 20, do tiểu đoàn công binh 33 xây dựng. Khi bị không quân Mỹ oanh tạc, cầu được cất giấu tại bờ sông, đến khi yên ắng lại cho dựng lại. Cây cầu tồn tại trong 6 năm, giúp hàng nghìn chuyến xe vượt sông an toàn ra mặt trận.

Về phương thức vận chuyển, từ gùi, thồ tiến lên vận chuyển bằng cơ giới; từ một tuyến cơ giới đã phát triển thành mạng đường cả Đông và Tây Trường Sơn; từ phục vụ cho xe chạy ban đêm nay có "Đường kín" cho xe chạy ban ngày bất chấp mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Đặc biệt là từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng cơ bản, tu sửa nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, quán triệt phương châm "Thần tốc, táo bạo", Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển hai chiều từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng lớn cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật vũ khí tới các chiến trường. Khi cuộc tổng tiến công phát triển xuống Đồng bằng Trung Trung Bộ và Cực Nam Trung Bộ, Bộ đội Trường Sơn đã triển khai lực lượng công binh dọc theo quốc lộ số 1, bám sát các mũi tiến công của bộ binh; vừa tháo gỡ bom, mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho đại quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng thành phố Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975.

Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh-luôn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước bất cứ khó khăn, gian khổ, ác liệt nào. Cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có những sự tích anh hùng. Cung đường nào, địa điểm nào cũng là mảnh đất thiêng rực lửa. Bộ đội đường Hồ Chí Minh đã thắng địch và "thắng trời" làm nên con đường huyền thoại-đường Hồ Chí Minh-con đường đi tới độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Các lực lượng Binh đoàn Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh càng chiến đấu, càng trưởng thành vững chắc về mọi mặt; đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn cán bộ từ trung đội dến trung đoàn, hàng vạn lái xe, thợ sửa chữa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ; Thường xuyên tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng và công tác Đảng, công tác chính trị, coi trọng tổng kết thực tiễn, nên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề khó khăn, thử thách, ác liệt của thực tiễn chiến trường đặt ra trên vấn đề tư tưởng, tác chiến hiệp đồng binh chủng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.

Mạng lưới đường cơ giới dần được hình thành lẩn khuất giữa núi rừng Trường Sơn tạo điều kiện cho những đoàn xe quân sự vận chuyển lượng lớn binh lực, lương thực và vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam. Cũng từ đây, lực lượng quân sự Mỹ ra sức đánh phá hệ thống giao thông này bằng bộ binh và không quân, đường Trường Sơn trở thành tuyến lửa - nơi diễn ra cuộc đấu gan, đấu trí ác liệt giữa hai bên.

Suốt 16 năm (1959-1975), đường Trường Sơn luôn luôn trở thành trọng điểm ngăn chặn quyết liệt của địch. Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược "Chiến tranh ngăn chặn", "Chiến tranh bóp nghẹt" bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của nền khoa học công nghệ của đế quốc Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn luôn rung chuyển, bị cày đi xới lại bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của địch trút xuống, gây nhiều tổn thất về người, phương tiện vật chất và môi trường sinh thái trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hơn 20.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 32.000 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hàng vạn người mang thương tích hoặc nhiễm chất độc màu da cam… 14.500 xe máy, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị phá hỏng. Với những hy sinh vô bờ bến ấy, bộ đội đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã lập nên kỳ tích anh hùng, làm nên con đường huyền thoại, góp phần to lớn vào sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Binh đoàn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng; 82 đơn vị, 47 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngoài ra, hàng trăm đơn vị, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ được tặng huân chương, huy chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Vang mãi khúc tráng ca Trường Sơn…

Chặng đường phấn đấu hy sinh đầy khí phách anh hùng và tài năng sáng tạo của Bộ đội đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ, sinh động bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.

Thắng lợi đó trước hết thuộc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thắng lợi ấy không tách rời sự hỗ trợ của các bộ, các ngành; sự phối hợp của các quân chủng, binh chủng, các chiến trường; sự chi viện của nhân dân cả nước, nhất là nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh; sự giúp đỡ hết lòng của quân và dân Lào, Cam-pu-chia và các nước Xã hội chủ nghĩa anh em.

Đó là thắng lợi của tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu cực kỳ mưu trí, dũng cảm ngoan cường của toàn thể cán bộ, chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong... trên đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH; là thắng lợi của nghệ thuật tổ chức chỉ huy, nghệ thuật hiệp đồng quân, binh chủng của bộ đội đường Hồ Chí Minh.

Từ thực tiễn chiến đấu và hoạt động chi viện đầy gian lao thử thách, Bộ đội đường Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm lịch sử vô cùng quý báu, những giá trị sáng tạo mới về khoa học và nghệ thuật quân sự.

Năm 1973, trong dịp vào thăm và kiểm tra Bộ đội đường Trường Sơn, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phát biểu: “Vinh quang thay Bộ đội Trường Sơn anh hùng đã chiến đấu và chiến thắng trên con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại! Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn hãy phát huy truyền thống oanh liệt của quân đội ta để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của con đường chiến lược vẻ vang này trong giai đoạn mới của cách mạng”.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh (19-5-1959/19-5-2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng, của quân đội và nhân dân ta sẽ mãi mãi tồn tại trong lịch sử kháng chiến chống xâm lược của dân tộc, sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong tình cảm thiêng liêng Nam-Bắc một nhà của mỗi người dân Việt Nam ta” (Huyền thoại Trường Sơn, NXB Văn hóa-Thông tin 2007).

Và trong văn bia Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn khắc đậm những dòng chữ: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng sự đóng góp của Bộ đội đường Hồ Chí Minh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến vào công cuộc chi viện cho các chiến trường sẽ mãi mãi ghi vào trang sử oanh liệt của dân tộc ta, của quân đội ta như một thiên anh hùng ca bất diệt...".

Tổng hợp từ Internet

Tin tiêu điểm