VÀI NÉT VỀ HỌC PHẦN THIẾT KẾ MẪU TRÊN MANƠCANH

Khoa Công nghệ may & Thiết kế thời trang, trường Đại Học Công nghiệp Hà Nội đã có bề dày 15 năm trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Định hướng phát triển của khoa gắn liền với nhu cầu thực tế xã hội hiện nay. Ngoài việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, đầu tư cơ sở vật chất, Khoa còn tập trung phát triển những học phần chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Thiết kế trên manơcanh là học phần chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo của khoa Công nghệ may & Thiết kế thời trang. Học phần cung cấp các kiến thức cho sinh viên như phác thảo và xây dựng kết cấu sản phẩm, lựa chọn vật liệu phù hợp với kiểu dáng, thiết kế mẫu sản phẩm trên manơcanh, phát triển mẫu mới, khai triển mẫu 2D – 3D, chế thử và hoàn thiện mẫu phục vụ may công nghiệp, phù hợp xu hướng thời trang hiện đại.

Thiết kế trên manơcanh (còn gọi là Draping) là kỹ thuật dựng mẫu 3D trên manơcanh, đây là phương pháp dựng mẫu trực tiếp trên cơ thể thông qua mô hình cơ thể người để có thể ghim, đính tạo hình trang phục trên đó. Draping là kỹ thuật không thể thiếu đối với các nhà thiết kế thời trang. Kỹ thuật này giúp nhà thiết kế thực hiện mẫu theo đúng ý tưởng ban đầu, đặc biệt là các kiểu dáng thiết kế mà phương pháp thiết kế 2D gặp nhiều khó khăn khi thực hiện.

Tại khoa Công nghệ May & Thiết kế thời trang, các giảng viên hướng dẫn sinh viên thựchiện kỹ thuật Draping trên lớp. Trước tiên là dựng mẫu, ốp vải, định vị và ghim vải theo các trục cơ bản trên thân manơcanh để phát triển cấu trúc của thiết kế, tạo hình, tạo khối, cắt gọt mẫu trực tiếp và điều chỉnh chính xác, đúng dáng trang phục mong muốn. Sau đó, vải được gỡ khỏi manơcanh để sang dấu và may thành sản phẩm.

Chất liệu sử dụng trong học phần Thiết kế trên manơcanh thường là vải mộc để dễ dàng giải quyết các vấn đề phom dáng và kết cấu trang phục.

VÀI NÉT VỀ HỌC PHẦN THIẾT KẾ MẪU TRÊN MANƠCANH

Đưa chi tiết bằng vải mộc lên manơcanh

Việc học môn Thiết kế trên manơcanh tại khoa Công nghệ May & Thiết kế thời trang giúp sinh viên có khả năng tư duy cũng như cải thiện và phát triển khả năng sáng tạo của mình, đặc biệt đối với sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang.

Quá trình giảng dạy các lớp cho thấy học phần Thiết kế trên manơcanh được đánh giá là có nhiều ý nghĩa thực tiễn giúp sinh viên tiếp cận phương pháp mới ứng dụng trong xu hướng thời trang hiện đại. Tuy nhiên, đây là phương pháp khó, đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn và nỗ lực cao của sinh viên để thực hiện được sản phẩm may hoàn chỉnh phù hợp với ý tưởng ban đầu.

VÀI NÉT VỀ HỌC PHẦN THIẾT KẾ MẪU TRÊN MANƠCANH

VÀI NÉT VỀ HỌC PHẦN THIẾT KẾ MẪU TRÊN MANƠCANH

Các sản phẩm do sinh viên thực hiện trong học phần Thiết kế trên manơcanh

Giáo viên : Nguyễn Thị Quỳnh Mai