GIỚI THIỆU CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

1. Thạc sĩ (01 ngành) Kỹ thuật Điện tử

a. Giới thiệu:

Ngành kỹ thuật điện tử (trình độ đào tạo thạc sĩ) cung cấp các kiến thức chuyên sâu, các kiến thức công nghệ mới về Kỹ thuật Điện tử để đưa ra các giải pháp thiết kế, tích hợp hệ thống các sản phẩm điện tử dân dụng và chuyên dụng, thiết kế và kiểm tra vi mạch số, thiết kế các hệ thống nhúng dựa trên vi xử lý, vi điều khiển, mạch số tích hợp mật độ cao lập trình được. Vận dụng được các kiến thức, công nghệ mới trong các lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị điện tử; khai thác, vận hành các thiết bị điện tử; tiếp nhận, triển khai và chuyển giao công nghệ, tổ chức, quản lý và chỉ đạo sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất điện tử; có kiến thức để tiếp tục được đào tạo ở bậc Tiến sĩ.

Học ngành này tại trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học viên được:

- Đào tạo về phương pháp nghiên cứu khoa học và triển khai, quản lý dự án.

- Đào tạo về các công nghệ, kỹ thuật mới đang được ứng dụng mạnh mẽ như thiết kế vi mạch số, điều khiển logic mờ, công nghệ RFID, mạng nơron nhân tạo,...

- Trang bị các kỹ năng mềm phục vụ học tập, nghiên cứu, sản xuất.

CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

b. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, thạc sĩ kỹ thuật điện tử có khả năng đảm nhận các vị trí công việc:

- Làm công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử, Kỹ thuật Viễn thông, Kỹ thuật máy tính;

- Quản lý, triển khai các dự án tại các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử;

- Quản lý, chỉ đạo và thực hiện các công việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm điện tử. Lắp đặt, vận hành và chuyển giao các thiết bị điện tử trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp;

- Phụ trách kỹ thuật của các công ty, nhà máy, xí nghiệp, các viện nghiên cứu về Điện tử; Viễn thông, Tự động hóa.

2. Đại học

2.1. Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông.

a. Giới thiệu

Ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông đào tạo kỹ sư có trình độ chuyên môn về lĩnh vực điện tử và truyền thông. Sinh viên có khả năng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và nắm bắt được hoạt động của các mạng truyền thông hiện đại, qua đó có thể làm chủ được các trang thiết bị điện tử, thiết bị truyền dẫn đang được ứng dụng rộng rãi trong các mạng thông tin di động thế hệ mới, mạng thông tin quang, mạng thông tin vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu…

Học ngành này tại Khoa điện tử trường ĐH Công nghiệp Hà Nội sinh viên được:

- Đào tạo về thiết kế chế tạo, vận hành và khai thác các thiết bị điện tử.

- Đào tạo về các hệ thống mạng viễn thông hiện đại như mạng thông tin di động thế hệ mới, mạng thông tin vệ tinh, hệ thống phát thanh - truyền hình, …

- Đào tạo về thiết kế, chế tạo, lập trình các thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển tự động…

- Trang bị các kỹ năng mềm phục vụ học tập, nghiên cứu, sản xuất.

CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

b. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử, người học có khả năng đảm nhận các vị trí công việc đòi hỏi các kiến thức và kỹ năng về: thiết kế, chế tạo, lắp ráp mạch điện tử, thiết bị điện tử, vi mạch điện tử, thiết kế truyền dẫn, vận hành, bảo trì thiết bị, thiết kế, xây dựng, triển khai hệ thống điện tử viễn thông, các mạng viễn thông, các hệ thống phát thanh, truyền hình..., hoặc cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các Viên nghiên cứu, các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực điện tử. Ngoài ra, người học cũng có khả năng tiếp tục học tập, nghiên cứu ở bậc học cao học và nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Điện tử.

2.2. Công nghệ Kỹ thuật Máy tính.

a. Giới thiệu

Là ngành học kết hợp kiến thức chuyên môn của cả hai lĩnh vực phần cứng điện tử và thiết kế phần mềm. Ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính liên quan đến lĩnh vực thiết kế mạch số, vi xử lý, lập trình điều khiển thiết bị, vì vậy tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực phần cứng và ngôn ngữ lập trình bậc thấp. Sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật máy tính sẽ được trang bị 3 nhóm kiến thức chính:

- Lập trình nhúng: viết phần mềm điều khiển thiết bị, lập trình hệ thống (driver, firmware); viết phần mềm ứng dụng trên thiết bị.

- Thiết kế phần cứng hệ thống: thiết kế vi mạch số, mạch tích hợp trong các thiết bị điện tử.

- Thiết kế, triển khai các hệ thống mạng: Xây dựng, tư vấn triển khai ứng dụng mạng; quản trị hệ thống mạng; tư vấn, hỗ trợ bảo mật hệ thống.

CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

b. Cơ hội nghề nghiệp

Hiện nay các công ty lớn đã bắt đầu tham gia đầu tư phát triển hệ thống nhúng ở Việt Nam: Intel, IBM, Altera, Esilicon, các công ty Nhật bản, Hàn Quốc… Thế giới hiện tại đang chuyển mình với các thiết bị yêu cầu ngày càng thông minh và nhỏ gọn hơn: xe hơi thông minh, điện thoại thông minh, áo thông minh, chìa khóa thông minh… Các hệ thống điều khiển dần chuyển sang các hệ thống điều khiển thông minh cả trong hoạt động công nghiệp và đời sống. Chính vì vậy, trong tương lai gần nhu cầu nhân sự về kỹ thuật máy tính chắc chắn tăng cao.

Sau khi ra trường, kỹ sư tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật Máy tính tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có thể làm các công việc yêu cầu kiến thức, kỹ năng về lập trình nhúng, thiết kế phần cứng hệ thống, thiết kế, triển khai các hệ thống mạng trong các công ty, hoặc trở thành nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có ngành nghề phù hợp.

2.3. Công nghệ Truyền thông và Mạng máy tính

a. Giới thiệu

Ngành Truyền thông và Mạng máy tính là ngành học đóng vai trò quan trọng, tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Ngành Truyền thông và mạng máy tính của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đào tạo kỹ sư có trình độ đại học. Chương trình đào tạo hướng đến trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng từ cơ bản đến chuyên sâu về ngành Truyền thông và mạng máy tính. Sinh viên khi tốt nghiệp có khả năng:

- Thiết kế, tổng hợp và điều khiển được các mạch điện tử từ đơn giản đến phức tạp

- Biết sử dụng một số phần mềm để mô phỏng và đánh giá hoạt động của các hệ thống thông tin.

- Biết thiết kế, lắp đặt, triển khai, quản trị và vận hành khai thác các hệ thống không dây truyền cự ly ngắn ứng dụng trong các hệ thống giám sát và điều khiển.

- Có khả năng tích hợp các mạch điện tử và hệ thống thông tin.

CÁC NGÀNH NGHỀ ĐÀO TẠO

b. Cơ hội nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm đương được nhiều vị trí công tác khác nhau tại các công ty, doanh nghiệp, nhà máy về lĩnh vực Truyền thông và Mạng máy tính như Kỹ thuật viên phát triển phần mềm và phần cứng, quản trị hệ thống mạng… Hoặc trở thành cán bộ nghiên cứu, giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo về lĩnh vực Truyền thông và Mạng máy tính.

3. Cao đẳng

Ngành: Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông.

4. Liên thông

- Liên thông CĐ-ĐH ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (chuyên ngành: CNKT Điện tử, truyền thông)

- Liên thông TC-ĐH ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông (chuyên ngành: CNKT Điện tử, truyền thông)